Cho thuê nhà từ năm 1967, năm 2015 mới kiện đòi lại nhà, song do thiếu chứng cứ, căn cứ pháp lý nên nhiều lần tòa án ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án. Ngày 7-5-2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: buộc người thuê phải trả lại nhà...
 |
Nhà 344- Đống Đa, Đà Nẵng (bạt sọc xanh). |
Theo nguyên đơn là bà Bùi Thị Diệp (1931, trú 346-Đống Đa, Đà Nẵng) khai: 1963 bà Diệp mua của bà Hoàng Thị Minh ao rau muống có chiều rộng 19,5m, chiều ngang 10m, sâu 2m. Sau khi mua, bà Diệp đổ đất, dựng ngôi nhà 3 gian, cột gỗ, vách tre, lợp tôn. Năm 1967, bà Diệp cho vợ chồng ông Nguyễn Liêm thuê gian nhà bên phải, vợ chồng bà Lương Thị Sen (1938) thuê gian nhà bên trái và gia đình bà Diệp ở gian nhà giữa. Việc cho thuê 2 bên chỉ thỏa thuận bằng miệng. Năm 1975, khi bà Diệp chuyển về Huế sinh sống, gia đình bà Sen chiếm dụng luôn gian nhà giữa. Do bị khiếu nại, năm 1985 gia đình bà Sen đồng ý trả gian nhà giữa cho bà Diệp (nay là nhà 346-Đống Đa, Đà Nẵng). Nay nhà cũ không còn trên đất nên bà Diệp khởi kiện, yêu cầu bà Sen trả lại phần đất của gian nhà bên trái (nay là nhà 344- Đống Đa, Đà Nẵng) đã thuê trước đây.
Đại diện của bà Lương Thị Sen trình bày: nguồn gốc ngôi nhà 344- Đống Đa hiện nay là đất hoang được gia đình bà Sen dựng nhà tạm bằng ván và ở từ năm 1965. Từ năm 1976 đến nay, gia đình bà Sen thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Năm 2006, do bão nên nhà cũ bị hư hỏng, gia đình bà Sen đã xây dựng lại như hiện nay. Đối với căn nhà 346- Đống Đa, trước đây là của gia đình bà Diệp. Sau năm 1975, bà Diệp cùng gia đình về Huế sinh sống nên bị bỏ hoang, gia đình bà Sen dọn qua ở cùng lúc 2 căn nhà. Khoảng 3 tháng sau, bà Diệp trở về nhà cũ tại Đà Nẵng nhưng do có chồng là ông Hoàng Bạch- sĩ quan chế độ cũ nên không dám nhận lại nhà vì sợ Nhà nước tịch thu theo chính sách quản lý, cải tạo... Vì thế, bà Diệp thống nhất cho bà Sen thuê căn nhà trên với giá 3.000 đồng/tháng giao ước khi nào tình hình chính trị ổn định, Nhà nước không còn thực hiện chính sách cải tạo... sẽ trở lại nhận nhà. Năm 1985, do mâu thuẫn về giá thuê nhà nên bà Diệp khởi kiện đòi lại nhà cho thuê. Căn cứ vào thỏa thuận bằng miệng trước đây, bà Sen đồng ý trả lại căn nhà đã thuê cho bà Diệp. Nay bà Diệp tiếp tục đòi căn nhà 344- Đống Đa, gia đình không đồng ý trả.
Năm 2015, TAND Q. Hải Châu tiến hành xét xử sơ thẩm và đã bác đơn khởi kiện của bà Diệp. Bản án trên đã bị bà Bùi Thị Diệp kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm ngay 16-8-2016 của TAND TP Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm vì một số nội dung chưa được làm rõ, như: nguồn gốc đất và nhà; từ trước đến nay ai đứng kê khai quyền sử dụng đất đang tranh chấp... Tuy nhiên, khi thụ lý lại vụ án, TAND Q. Hải Châu phát hiện gia đình bà Diệp có người đang định cư ở nước ngoài nên chuyển hồ sơ cho TAND TP Đà Nẵng thụ lý theo thẩm quyền. Phiên tòa ngày 15-9-2017, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên chấp nhận yêu cầu của bên nguyên đơn, buộc gia đình bà Sen trả ngôi nhà 344- Đống Đa cho bà Diệp... Không đồng ý với phán quyết trên, gia đình bà Sen kháng cáo lên TAND cấp cao đề nghị xét xử lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Để có căn cứ giải quyết vụ án, ngày 12-6-2018, TAND cấp cao tại Đà Nẵng có Công văn số 1163 và 1468 đề nghị UBND TP Đà Nẵng trả lời những vấn đề sau: ông Hoàng Bạch (chồng bà Diệp) có tham gia vị trí gì trong chế độ cũ?; gian nhà bà Diệp cho bà Sen thuê có thuộc diện bị quản lý và cải tạo XHCN? việc cho thuê có được lập hợp đồng, có đăng ký với cơ quan quản lý nhà đất...?
UBND TP Đà Nẵng trả lời: đất và nhà 344- Đống Đa không nằm trong danh sách Nhà nước quản lý, hiện chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Do không được cung cấp các chứng cứ theo yêu cầu, ngày 10-8-2018 TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 46A tạm đình chỉ xét xử vụ án. Dù không được UBND TP cung cấp những chứng cứ, ngày 7-5-2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng vẫn đưa vụ án ra xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Sau khi xem xét lại nội dung bản án sơ thẩm cùng lời khai của các bên, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên: buộc gia đình bà Sen trả ngôi nhà 344- Đống Đa cho bà Diệp và gia đình Diệp có trách nhiệm hoàn trả cho bà Sen số tiền hơn 1,2 tỷ đồng về khoản: công khai phá thêm hơn 13m2 đất, công sức tôn tạo, quản lý, tiền xây dựng mới ngôi nhà...
Với phán quyết trên, chúng tôi nhận thấy có nhiều khuất tất, vì: một số tình tiết chưa được HĐXX làm rõ như yêu cầu của chính TAND cấp cao nhưng đã vội vàng phán quyết ngôi nhà trên thuộc quyền sở hữu của bà Diệp. Như vậy phán quyết đã vô tình xâm hại đến quyền lợi trực tiếp của gia đình bà Sen và vi phạm đến chính sách quản lý và cải tạo XHCN đối với nhà đất ở các đô thị phía Nam do sĩ quan ngụy quân, ngụy quyền quản lý theo quyết định số 111/CP ngày 14-4-1977 của Hội đồng Chính phủ. Vì vậy, bản án trên cần được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm.
M.T